17 thg 9, 2012

Giúp Con Yêu Thương



Điều Lớn Hơn Hết Là Tình Yêu Thương
“Hãy khao khát tìm kiếm những ân tứ lớn lao hơn. Bây giờ tôi chỉ cho anh chị em một con đường tốt đẹp hơn. 1Côrinhtô 12:31



Tình yêu thương nằm ở đâu trong danh sách ưu tiên của bạn? Chúa Giê-su phán, “Bây giờ Ta truyền cho các con một điều răn mới: ‘Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy.’” (Giăng 13:34). Đối với tôi dường như là Chúa Giê-su nói tình yêu thương là vấn đề mấu chốt mà chúng ta nên tập trung.

Sứ đồ Phaolô nói rằng “Nên bây giờ còn ba điều này: Đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Nhưng điều lớn hơn hết là tình yêu thương” (1Cô 13:13).

Tình yêu thương phải là ưu tiên số một trong danh sách ưu tiên trong đời sống thuộc linh của chúng ta.

Chúng ta nên học hỏi về tình yêu thương, cầu nguyện về tình yêu thương, và phát triển bông trái yêu thương (theo như Galati 5:22-23, một trong chín trái của Thánh Linh đã có sẵn cho những người được Thánh Linh ngự) qua việc thực hành yêu thương người khác.


Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nên khi chúng ta bước đi trong tình yêu thương của Chúa chúng ta cứ ở trong Ngài. Vì chúng ta bước đi trong tình yêu thương của Chúa qua việc nhận lãnh và bày tỏ tình yêu thương, chúng ta không nên tự dối mình khi nghĩ rằng chúng ta có thể yêu Chúa mà cùng lúc chúng ta lại ghét anh em mình (xem 1Giăng 4:20).

Tình yêu thương là điều quan trọng nhất ở đời này. Tình yêu thương là điều cao quý nhất để chúng ta dấn thân, tìm kiếm và phát huy tối đa.

Chúng ta để cả đời tìm kiếm nhiều thứ. Chúng ta hy vọng tìm thấy sự thoả nguyện trong những thứ này, nhưng phần lớn những thứ này không đem chúng ta đến chỗ mãn nguyện. Khi chúng ta dồn mọi nổ lực và thời gian vào những thứ không làm chúng ta thoả mãn, chúng ta cảm thấy thất vọng.

Tôi phải mất bốn mươi lăm năm để nhận ra rằng những ưu tiên của tôi đã bị đảo ngược và tôi đã không đặt tình yêu thương là điều mấu chốt trong đời sống của tôi. Tình yêu thương không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi trước đây. Việc cam kết để học biết cách nào bước đi trong tình yêu thương là quyết định hay nhất mà tôi đã từng quyết định kể từ khi tin Chúa.

Tình yêu thương không chỉ chúc phước cho người khác; mà nó cũng chúc phước cho chính người bày tỏ tình yêu thương. Khi tôi chú tâm trở thành nguồn phước cho người khác thì tôi cũng hưởng được niềm vui. Tôi thấy kinh nghiệm này thật lý thú và thách thức tôi nữa.
Tất cả chúng ta phải là người học để yêu thương; chúng ta phải cầu nguyện để Chúa giúp chúng ta yêu thương.



ĐỨC TIN HÀNH ĐỘNG BỞI TÌNH YÊU THƯƠNG

Vì trong Chúa Cứu Thế Giê-su, chịu phép cắt bì hay không cắt bì cũng chẳng lợi ích gì, chỉ đức tin hành động trong tình yêu thương mới ích lợi.Galati 5:6.


Thường thì chúng ta được dạy rằng đức tin là mỹ đức quan trọng nhất của cơ đốc nhân. Chúng ta học đức tin, cố gắng vận dụng đức tin, giảng đức tin, viết sách về đức tin và lúc nào cũng khích lệ nhau về đức tin.

Đức tin thật quan trong vì không có đức tin chúng ta không thể nào làm đẹp lòng Chúa (Hêbơrơ 11:6). Đức tin không phải là cái giá để mua phước hạnh của Chúa, mà là cánh tay để nhận phước hạnh của Chúa. “Bởi ân sủng, nhờ đức tin” là cách các phước hạnh của Chúa đến với con cái của Ngài (Êphêsô 2:8).

Đức tin rất quan trọng, tuy nhiên theo như 1Côrinhtô 13:2, nếu chúng ta có đủ đức tin để dời núi mà không có tình yêu thương thì chúng ta cũng không ra gì.

Galati 5:6 nói đức tin hành động (được tăng cường năng lực) bởi tình yêu thương. Biết tình yêu của Chúa dành cho cá nhân chúng ta và học để tình yêu thương của Chúa tuôn đổ qua chúng ta đến với người khác là sức mạnh nằm sau đức tin. Làm sao chúng ta có thể đặt đức
tin nơi Chúa trừ khi chúng ta biết chắc rằng Ngài yêu thương chúng ta? Làm sao chúng ta có thể xin Chúa giúp chúng ta và xác quyết rằng Ngài sẽ làm vậy nếu chúng ta đối xử tệ với người khác? Đời sống yêu thương của chúng ta cho chúng ta niềm tin xác quyết trước mặt Chúa và khiến chúng ta đủ tự tin nhận lãnh từ nơi Ngài những gì chúng ta cầu xin trong sự cầu nguyện (1Giăng 3:18-23).
Tình yêu thương cũng là một đặc điểm nổi bật của các môn đồ của Chúa Giê-su (Giăng 13:35).



HÃY ĐỂ SỰ SÁNG CỦA BẠN CHIẾU RA


Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta.
Giăng 13:35

Chúng ta cần bày tỏ cho thế giới về Chúa Giê-su. Chúng ta làm điều đó bằng cách bước đi trong tình yêu thương của Ngài - tình yêu thương của Cha trước hết được khải thị và biểu lộ trong Con Ngài là Chúa Giê-su và bây giờ được bày tỏ trong chúng ta:

Vậy, hãy chiếu ánh sáng của các con trước mặt thiên hạ như thế, để họ thấy các công việc tốt đẹp của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời. (Mathio 5:16).

Chính Chúa Giê-su đã giảng dạy về tình yêu thương và bước đi trong tình yêu thương. Ngài phán, “Nếu các con thấy Ta là các con thấy Cha” (Giăng 14:9). Thế gian đang tìm kiếm một điều gì đó thực hữu, sờ nếm được. Họ tìm kiếm tình yêu thương, và Chúa là tình yêu thương (1Giăng 4:8)

Nhiều người ngoại đi nhà thờ để tìm kiếm Chúa, nhưng lại gặp toàn là những luật lệ và giáo điều của giáo hội. Sau khi gặp một số cơ đốc nhân “hữu danh vô thực,” “có tiếng mà không có miếng”, những thân hữu này sẽ bỏ nhóm mà không gặp gỡ Chúa gì cả. Thay vì thu hút thân hữu đến, đời sống của những tín đồ này trong nhà thờ đã xua đuổi những thân hữu đi.
Đồng lúa thật trúng (Giăng 4:35), nhưng Chúa cần những con gặt (Luca 10:2). Ngài cần những cơ đốc nhân dâng mình để phát triển bản tính của Chúa Giê-su trong đời sống của họ. Theo 2Côrinhtô 5:20, bạn và tôi là sứ giả của Chúa – những đại diện của Chúa. Chúa đang kêu nài thế gian tin Ngài qua chúng ta.

Như đã nói trước đây, Chúa Giê-su phán ấy bởi tình yêu thương mà mọi người biết ai là môn đồ của Ngài:

Bây giờ Ta truyền cho các con một điều răn mới: Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta.
Giăng 13:34,35

Tình yêu thương là đặc thù của cơ đốc nhân. Trước khi mua cái gì đó, chúng ta thích kiểm tra chất lượng của nó. Khi đi mua sắm, chúng ta thường hay đọc nhãn hiệu hay tìm kiếm thương hiệu nào có tiếng là chất lượng tốt. Đó là điều mà người ngoại muốn tìm nơi chúng ta là môn đồ của Chúa. Họ nhận ra được chúng ta không chỉ qua lời nói mà qua đời sống của chúng ta.

Tôi muốn người ta nghĩ về tôi là một người yêu thương họ. Tôi muốn làm cho họ khao khát (khát khao mãnh liệt nơi Chúa). Tôi muốn trở thành ánh sáng trong nơi tối tăm của họ.
Có dạo tôi muốn được biết đến là một tôi tớ Chúa đầy quyền năng, một người thành công và nổi tiếng. Nhưng rồi cuối cùng tôi nhận ra rằng sức mạnh và thành công đích thực là tình yêu thương.



ĐỔI HƯỚNG NHÌN

Điều tôi cầu xin là tình yêu thương của anh chị em ngày càng gia tăng cùng với sự hiểu biết và tất cả nhận thức, để anh chị em nhận biết điều gì là tốt đẹp nhất và được trong sạch, không có gì đáng trách cho đến ngày của Chúa Cứu Thế.
Philíp 1:9-10

Bạn có cần chấn chỉnh lại ưu tiên của bạn hay thay đổi sự tập trung của bạn không?

Trong Philíp 1:9-10, Phaolô cầu nguyện cho hội thánh tại Philíp dư dật trong tình yêu thương và tình yêu đó sẽ tự bày tỏ ra một cách lớn lao hơn. Ông cầu nguyện để họ học chọn điều nào là tối ưu và có giá trị đích thực. Trong 1Côrinhtô 13:31, ông viết rằng tình yêu thương là con đường tuyệt diệu hơn hết.

Phaolô cầu nguyện cho những tín hữu này tập trung vào tình yêu thương. Chúng ta không thể nào có một đời sống đắc thắng và đầy quyền năng trừ khi chúng ta yêu thương người khác.

Bạn có sẵn lòng trở thành người học biết để bước đi trong tình yêu thương không? Nếu vậy thì bạn cần biết tình yêu thương đòi hỏi sự học hỏi và sự kết ước.

Chúng ta phải có tâm trí đổi mới để biết tình yêu thương thật sự là gì. Nó không phải là một cảm xúc chúng ta có được mà là một quyết định chúng ta thực hiện - một quyết định đối xử với người khác như cách Chúa Giê-su đối xử với họ.

Khi chúng ta có một cam kết thật sự để bước đi trong tình yêu thương thì thường nó sẽ tạo ra một cú sốc trong lối sống chúng ta. Nhiều điều như suy nghĩ, lời nói, thói quen của chúng ta phải thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta hay có thói quen tiêu tiền dư cho bản thân rồi sau đó chúng ta phát hiện ra rằng việc bước đi trong tình yêu thương đòi hỏi chúng ta dùng số tiền đó để giúp người khác.

Tình yêu thương là điều có thể sờ nếm được; nó không chỉ là một cảm xúc hay là một điều gì đó thiêng liêng mà không thể thấy hay chạm được. Tình yêu thương là điều gì đó rõ ràng đối với mọi người tiếp xúc với nó.

Sống yêu thương không phải dễ dàng mà cũng không phải là không có sự hy sinh bản thân. Mỗi khi chúng ta chọn để yêu thương ai đó, chúng ta phải trả giá điều gì đó -  thời gian, tiền bạc hoặc nỗ lực. Đó là lý do Kinh Thánh bảo chúng ta phải đếm cái giá trước khi chúng ta cam kết làm việc gì (Luca 14:25-33).



ĐEO ĐUỔI VÀ TÌM KIẾM TÌNH YÊU THƯƠNG

Hãy theo đuổi tình yêu thương, hãy khao khát tìm kiếm các linh ân, đặc biệt là ân tứ nói tiên tri (1Côrinhtô 14:1)

Phát triển một đời sống yêu thương như ta thấy trong đời sống của Chúa Giê-su cũng giống như đào vàng vậy. Tình yêu thương giống Chúa không được tìm thấy ở vẻ hào nhoáng đời sống bên ngoài. Nó không thể nào chỉ nhìn thấy rồi được tiêm nhiễm. Kinh Thánh bảo chúng ta phải khao khát đeo đuổi và tìm kiếm tình yêu thương. Hai từ này rất là mạnh mẽ.

Từ đeo đuổi nghĩa là “nỗ lực bước theo để bắt lấy hay chiếm lấy. Từ tìm kiếm nghĩa là “cố gắng tìm kiếm hay khám phá hay dò tìm.” Nói cách khác, chúng ta cần đuổi theo tình yêu thương với cả sức mạnh và hành động của chúng ta như thể là chúng ta không thể sống nếu không có tình yêu thương.

Có những mức độ ước ao. Chúng ta muốn nhiều điều nhưng chỉ có vài điều trong cuộc sống chúng ta thật sự muốn đến độ chúng ta sẵn sàng hy sinh để có nó.

Nếu bạn và tôi muốn học biết về tình yêu thương, chúng ta phải nghiên cứu về tình yêu thương. Chúng ta phải đọc sách vở nói về tình yêu thương, lắng nghe những băng đĩa giảng về tình yêu thương, làm quen với mọi lời mà Chúa Giê-su và các sứ đồ giảng dạy về tình yêu thương.

Nếu bạn muốn biết về tình yêu thương, hãy tìm một ai đó đã từng sống trong tình yêu thương và học hỏi về cá nhân đó. Hãy quan sát cách người đó xử sự với người khác và với những tình huống khó xử hay căng thẳng. Hãy quan sát cách người đó dâng hiến. Hãy xem xét kết quả trong đời sống người đó.

Tất cả chúng ta không chỉ học biết về tình yêu thương, nhưng cũng hãy tìm kiếm, đeo đuổi và mưu cầu tình yêu thương, bởi vì Lời Chúa bảo chúng ta rằng không có tình yêu thương thì chúng ta không là gì cả.



ĐIỀU LỚN HƠN HẾT LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG

Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như tiếng cồng khua vang hay chập choả inh ỏi. Dù tôi được ân tứ nói tiên tri và hiểu biết tất cả mọi huyền nhiệm cũng như tri thức, dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi có thể dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi vẫn không là gì cả.

Dù tôi phân phát tất cả gia tài của tôi cho người nghèo, và hy sinh thân thể để chịu thiêu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi.
(1Côrinhtô 13:1-3)

Đây là ngôn ngữ rất mạnh, nhưng hy vọng rằng nó sẽ tỉnh thức chúng ta.

Có nhiều người nghĩ họ là “ông này hay bà nọ” nhờ những gì họ đã thành đạt trong cuộc sống, nhưng theo Lời Chúa họ không là gì cả trừ khi tình yêu thương chiếm ưu tiên hàng đầu trong đời sống của họ.

Một bé gái nọ rất yêu mến Chúa và muốn bày tỏ tình yêu của cháu dành cho Chúa, cháu hỏi mẹ cháu về điều này. Cháu nói bởi vì cháu biết là Chúa Giê-su sống trong lòng cháu nên cháu không biết là cháu có nên viết vài lời “con yêu Ngài” trên mảnh giấy rồi nuốt nó đi, vậy Chúa có thấy không.

Dĩ nhiên, cách mà Chúa Giê-su nhìn thấy chúng ta yêu Ngài bao nhiêu ấy là qua cách chúng ta vâng lời Ngài đến mức độ nào. Ngài truyền bảo chúng ta hãy yêu thương nhau; nếu chúng ta không làm điều đó thì chúng ta không chứng tỏ cho Ngài thấy là chúng ta yêu Ngài.

Chúng ta có thể hy sinh mà không có tình yêu thương, chúng ta có thể dâng hiến mà không có động cơ ngay thẳng, chúng ta có thể xây dựng chức vụ mà quên mất tình yêu thương, nhưng không có gì lớn lao mà chúng ta có thể mang đến cho người thế gian hơn là tình yêu thương. Không có gì thuyết phục hơn là chính tình yêu của Chúa được phản ánh trong cá tính của chúng ta.

Tình yêu thương là ngôn ngữ phổ thông; ai ai cũng hiểu được nó. Dù những người sống ở tận những làng mạc xa xôi tại Ấn Độ hay tại Châu Phi không thể hiểu ngôn ngữ của giáo sĩ được sai đến giảng đạo cho họ, nhưng họ có thể hiểu được lòng tử tế, sự ấm áp và thái độ chăm sóc.

Tại sao Phaolô chọn tình yêu thương là điều trọng hơn hết ở đời này? Bởi vì tình yêu thương không bao giờ thất bại (1Cô 13:8). Mọi thứ khác đều có thể thất bại, nhưng tình yêu thương thì sẽ không thất bại.

Tình yêu thương có thể làm tan chảy những tấm lòng cứng cỏi, nó có thể chữa lành những vết thương lòng và làm xoa dịu những tấm lòng lo sợ.

Phần lớn những thứ mà chúng ta đầu tư thời gian và năng lực là những thứ sẽ qua đi, sẽ chóng tàn và không tồn tại đến đời đời.

Chúng ta cố gắng kiếm tiền, xây dựng cơ đồ, thành đạt nhiều điều, chơi thể thao xuất sắc, trở thành nổi tiếng, sở hữu nhà cửa, có được xe cộ, càng nhiều quần áo, cất trử vàng bạc. Chúng ta muốn mở rộng kiến thức và nhìn ra thế giới, nhưng tất cả những điều này chỉ là tạm thời. Chỉ có tình yêu thương mới không kết thúc. Một cử chỉ yêu thương thôi cũng đủ kéo dài và tồn tại đến muôn đời.

Tôi muốn bỏ thì giờ và năng lực của tôi vào một điều gì đó tồn tại lâu dài, còn bạn thì sao?

Trong cuốn sách, The Greatest Thing in the World, Henry Drummond nói rằng “yêu phong phú thì sẽ sống sung mãn, và yêu mãi mãi thì sẽ sống đời đời.” Để yêu phong phú và yêu mãi mãi đòi hỏi bạn phải học bước đi trong tình yêu thương đối với mọi người. Để làm được điều đó, trước hết bạn phải nhận tình yêu của Chúa cho mình, bởi vì bạn không thể cho người khác điều mà bạn không có.

JOYCE MEYER
Translator: Andre Ngo Minh Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét