10 thg 7, 2012

Vua Lú cởi truồng


Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một vị vua tên là Lú. Khi vua lên ngôi thì triều đại đã ở vào thời kỳ suy vong. Vua Lú tài cao học rộng, có bằng tiến sĩ chuyên ngành lý luận suông, nhưng không làm được gì ngoài việc suốt ngày tụng niệm bộ “lê mác đại tạng kinh”. Bộ kinh này nghe nói do đức tiên vương lúc sinh thời đã đích thân làm chuyến "Tây du ký" sang tận bên tây dương “thỉnh” về từ hai ông tổ sư người tây, gồm một ông râu xồm và một ông trán hói. Mọi công việc triều chính vua giao hết cho quan tể tướng là Ba Dê đảm trách. Ba Dê nắm mọi quyền bính trong tay mặc sức lộng hành, dung túng đám đàn em tha hồ tham nhũng, ăn hối lộ, mua quan bán chức, đục khoét công quỹ, ăn chơi hưởng lạc làm cho triều đình ngày càng bại hoại, dân chúng khốn đốn muôn phần. Trong nước nạn trộm cướp, giết người, hiếp dâm,... xảy ra khắp nơi, bên ngoài biên cương thì quân nước Lạ không ngừng uy hiếp, doạ nạt, mưu đồ thôn tính. Tình hình rất là nguy cấp.
Một hôm trong kinh thành xuất hiện hai tên lạ mặt xin vào yết kiến nhà vua. Chúng xưng là thợ dệt đến từ nước Lạ láng giềng. Chúng khoe rằng có thể dệt được một loại vải tuyệt đẹp, quần áo may bằng loại vải này có đặc tính kỳ lạ là những kẻ ngu ngốc, những kẻ không làm tròn bổn phận, những kẻ phản nghịch, thế lực thù địch, v.v... đều không nhìn thấy quần áo, dù ở rất gần.
- Loại vải này có tên gọi là gì? Nhà vua hỏi.
- Tâu bệ hạ, loại vải này do Cao Tổ Hoàng đế Thiên triều nước Lạ chế tác ra sau nhiều năm dày công nghiên cứu bộ “lê mác đại tạng kinh”. Ngài đã đặt tên cho loại vải này là XHCN, có nghĩa là “Xạo Hết Chỗ Nói”.
"Thật tuyệt vời!", Mắt vua sáng lên khi nghe nói  "lê mác đại tạng kinh" lại có thể ứng dụng để làm ra một sản phẩm có thật, không phải chỉ lý luận suông giống như ngài lâu nay. Vua thầm nghĩ , “Ta sẽ cho may một bộ long bào bằng loại vải này, và sẽ đặt tên cho bộ long bào là VN-XHCN. Khi mặc nó, ta sẽ biết được kẻ nào không làm tròn bổn phận. Ta sẽ phân biệt được đâu là người tài giỏi và đâu là kẻ ngu ngốc. Cũng sẽ biết được trong dân chúng và trong đám quần thần những kẻ nào đang có âm mưu phản nghịch. Đúng vậy, ta cần có bộ quần áo như vậy ngay lập tức!"
Vua Lú truyền chỉ cho tể tướng Ba Dê triển khai dự án, duyệt kinh phí, rồi tổ chức đấu thầu dự án dệt ra loại vải kỳ lạ để may bộ long bào cho nhà vua. Dĩ nhiên sau đó hai tên thợ dệt nước Lạ được “trúng thầu” để thực hiện dự án. Tể tướng Ba Dê nhân đó cũng tranh thủ lệnh cho đàn em lập dự toán nâng khống kinh phí lên gấp mấy lần để lấy tiền chia nhau.
Hai tên thợ dệt nước Lạ bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào làm như đang dệt thật, nhưng tuyệt nhiên trong khung chẳng có gì. Chúng đòi bằng được thứ sợi tơ đẹp nhất, thứ vàng quí nhất, đem bỏ túi rồi giả vờ làm việc trên khung cửi rỗng tuếch. Nhà vua nóng lòng muốn xem họ làm việc, nhưng nhớ đến đặc tính kỳ lạ của thứ vải ấy, nên Ngài đâm ngại. Ngài bèn sai quan tể tướng đến xem.
Tể tướng Ba Dê đến gian phòng lớn, nơi hai tên thợ dệt đang làm việc, vừa giương to mắt nhìn vừa tự nhủ: "Ối trời!, sao ta chẳng nhìn thấy gì cả". Nhưng may mà ông ta nén lại được, không nói ra điều ấy."Mình đâu phải là thằng ngu hay là mình không làm tròn phận sự. Không lẽ mình lại là tên phản nghịch? Càng không phải! Thôi, dù sao cứ giấu biến đi là hơn cả."
Nghĩ vậy, ông ta vờ ngắm nghía và khen ngợi chưa thấy thứ vải nào đẹp bằng, rồi trở về và tâu với nhà vua:
- Muôn tâu hoàng thượng, loại vải thật là tuyệt! Hoa văn, màu sắc thật không thứ vải nào sánh nổi.
Hai tên thợ xin cấp thêm kinh phí cho dự án. Tể tướng Ba Dê chuẩn thuận, không quên nhắc nhở hai người khoản tiền “lại quả”.
Một thời gian sau, vua lại sai một vị quan đại thần khác đến xem. Ông này cũng trở về và tâu lại với nhà vua giống như quan tể tướng.
Dự án làm mãi vẫn chưa xong. Kinh phí ngày càng tăng, đã lên đến hàng chục lần dự toán ban đầu. Ngân khố cạn kiệt, tể tướng Ba Dê cho tăng cường khai thác tài nguyên, đi vay thêm nợ nước ngoài, huy động tiền, vàng, ngoại tệ trong dân chúng, tăng các khoản thuế, phí, thu hồi đất đai của dân đem bán,... vẫn không đủ, phải cho in thêm tiền vô tội vạ để bù đắp các khoản thâm hụt. Dân chúng đã khốn đốn lại càng khốn đốn hơn, chỉ biết kêu trời. Ba Dê và đám đàn em thì ngày càng béo mập, tậu đất đai, trang trại, biệt thự, chuyển tiền ra các tài khoản riêng ở nước ngoài,... không sao xiết kể. Cuối cùng thì công việc dệt vải cũng hoàn thành.
Khắp kinh thành nô nức bàn tán về loại vải kỳ lạ ấy. Không thể dằn lòng được, vua Lú đành phải đến xem. Ngài không quên dẫn theo một lũ nịnh thần. Ðến nơi ngài thấy hai thợ dệt vẫn đang mãi mê làm việc. Nhà vua nghĩ thầm: "Quái, ta chẳng nhìn thấy gì cả. Chẳng lẽ một vị vua mà lại ngu ngốc ư? Ngài bèn gật đầu lia lịa: "Ðẹp lắm, đẹp lắm." Ngài ra vẻ hài lòng ngắm nghía hai chiếc khung cửi, không dám thú nhận là chẳng nhìn thấy gì.
Lũ nịnh thần xuýt xoa phụ họa: "Thật là tuyệt vời." Và chúng khuyên nhà vua nên mặc bộ long bào trong ngày đại lễ sắp tới.
Suốt đêm hôm trước ngày lễ, hai thợ dệt làm việc cật lực dưới ánh sáng của 16 ngọn đèn. Họ cắt, may, khâu, đính suốt đêm. Cuối cùng bộ long bào đã được may xong, vừa kịp cho ngày lễ. Vua và các vị đại thần tới, hai tên thợ dệt giả vờ giơ tay lên trời như nâng vật gì và tâu:
- Ðây là quần, còn đây là áo thưa Hoàng thượng. Quần áo này rất nhẹ, mặc vào mà tưởng như không và đấy cũng là một trong những đặc tính quí báu của thứ vải này.
- Ðúng đấy ạ! Bọn nịnh thần phụ hoạ tuy chẳng đứa nào thấy gì.
Hai tên thợ dệt lại nói:
- Muôn tâu thánh thượng, xin ngài cởi quần áo ra và đứng trước gương lớn, chúng thần xin mặc áo mới cho bệ hạ.
Vua Lú cởi sạch trơn quần áo. Hai tên thợ dệt làm bộ như mặc từng cái quần, cái áo mới vào người nhà vua, rồi quàng tay quanh thân ngài như khoác đai lưng. Vua quay đi quay lại ngắm nghía trước gương. Bọn nịnh thần đồng thanh hô to:
- Trời, bộ quần áo sao mà đẹp quá chừng!.
Vua ban thánh chỉ đặt tên cho bộ long bào là VN-XHCN, ban tặng hai thợ dệt nước Lạ mỗi người một tấm "huân chương hữu nghị" và danh hiệu "Thợ dệt XHCN".
Quan thượng thư bộ Lễ báo tin:
- Long tán đã đến, chờ Hoàng Thượng đi dự lễ.
Nhà vua đáp:
- Ta đã sẵn sàng.
Rồi ngài lại nhìn vào gương mà ngắm nghía. Các quan thị vệ có nhiệm vụ đỡ đuôi áo, thò tay sát đất giả đò như cầm lên một vật gì, rồi vừa đi vừa đỡ cái vật vô hình đó trên không, chẳng dám nói là mình không nhìn thấy gì!
Ngoài phố mọi người cũng trầm trồ khen bộ long bào của vua vì không ai muốn mang tiếng là ngu ngốc, không làm tròn trách nhiệm, hoặc tệ hơn nữa là tội phản nghịch.
Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một thằng nhóc thốt lên:
- Kìa! Vua Lú cởi truồng kìa!
Một số nhân sĩ, trí thức, blốcgơ… đứng gần thằng nhóc nghe vậy cũng hưởng ứng theo:
- Vua Lú cởi truồng! Vua Lú cởi truồng!
- Đồ ngu ngốc! Một đám người khác mắng lại.
Bắt đầu xảy ra la ó, cãi vã, ẩu đả gây náo loạn đám đông bên dưới. Ðức vua quay sang hỏi quan tể tướng Ba Dê đang đứng bên cạnh:
- Có chuyện gì vậy?
- Dạ tâu hoàng thượng, có một thằng nhóc và mấy tên ngu ngốc không nhìn thấy bộ quần áo của hoàng thượng, nên chúng nói vua cởi truồng!
- Lũ ngu ngốc! Lũ phản nghịch! Thế lực thù địch! Nhà vua quát, hãy bắt hết bọn chúng để trị tội cho ta!
Lệnh vua ban ra được thực thi ngay lập tức, thằng nhóc và những kẻ ngu ngốc đều bị bắt và bị tống giam vào ngục.
Vua Lú truyền lệnh hồi cung, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Bọn nịnh thần đi theo vẫn tiếp tục không ngớt ca tụng bộ long bào của nhà vua. Một thời gian sau ngài mặc bộ long bào công du sang thăm hữu nghị một nước anh em ở xa cách nửa vòng trái đất và được triều đình nước này đón tiếp rất long trọng, họ không tiếc lời ca ngợi bộ long bào của ngài. Vua Lú đứng tồng ngồng trên một khán đài nước bạn để thuyết pháp về thành tựu vĩ đại của nước ngài đã vận dụng “lê mác đại tạng kinh” một cách sáng tạo để làm ra bộ long bào tuyệt đẹp mà ngài đang mặc. Sau đó theo lịch trình ngài định tiếp tục sang nước kế cận để thuyết pháp, nhưng không ngờ nữ hoàng và triều đình nước này thấy vua cởi truồng nên sợ quá đóng cửa không tiếp. Vua Lú cùng đám nịnh thần đành cuốn gói về nước. Từ đó về sau, trong các hội nghị lớn, nhỏ của triều đình, vua Lú luôn mặc bộ long bào vô hình để chủ trì hội nghị, chỉ đạo đám nịnh thần  phải không ngừng ra sức tụng niệm "lê mác đại tạng kinh", kết hợp với tư tưởng đức tiên vương, hết lòng thần phục Thiên triều nước Lạ để gìn giữ cho ngai vàng của nhà vua bền vững đến muôn năm vạn tuế.

7.2012
Dove
Phóng tác theo truyện "Bộ quần áo mới của Hoàng đế" của nhà văn Đan Mạch H.C. Andersen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét